Chuyện về Một quyển sách

08:48

Mordicai Gerstein là một tác giả cũng nổi tiếng, mà nổi nhất là do cuốn "Người đàn ông bước đi giữa hai tòa tháp" (The Man Who Walked Between the Towers), được giải Caldecott năm 2004. Quyển này nổi tiếng đến mức nó được dựng thành animation rồi còn được chuyển thể thành ballet luôn. Mà lý do nó nổi đến vậy thì mình nghĩ là vì nó có gợi liên tưởng đến tòa tháp đôi ở Mỹ, dù nhân vật trong sách thực hiện chuyến đi giữa hai tòa tháp khác.



Nhưng mà bây giờ thì mình giới thiệu một quyển ít nổi tiếng hơn một tí của Gerstein, Một quyển sách. Vâng, cái tên nó vậy đó, chứ không phải mình lặp từ nha. Cuốn này nó có hơi hướm post modernism một tí vì nó có một tình huống kinh điển: bản thân quyển sách và nhân vật của nó tương tác cùng người đọc (helloooo, có ai còn nhớ Nếu một đêm đông có người lữ khách của Calvino không?)


Mấy bạn có bao giờ tưởng tượng có một ngày mình dòm vô quyển sách thấy nhân vật chạy nhảy tung tăng, chơi đùa ăn uống, nói chuyện,... không?

Cuốn sách này nó miêu tả tình huống như vậy đó. Và vì bạn đang nhìn xuống trang sách nên toàn bộ tranh được vẽ theo góc nhìn từ trên xuống (down-shot view). Mấy bạn mở sách ra một cái là trời sáng trưng, nhân vật lục tục thức dậy. Mấy bạn đóng sách lại là trời tối, ai về giường nấy, ngủ thỏa thuê. Nghe thấy ghê hem?


Đây là câu chuyện về một gia đình sống trong sách. Mà vì sống trong sách nên ai cũng phải có câu chuyện của mình hết, nếu không thì độc giả biết đọc gì đây. Bố có câu chuyện của bố, mẹ có câu chuyện của mẹ, anh trai có câu chuyện của anh trai. Đến con mèo, con chó, con cá kiểng cũng có câu chuyện riêng hết. Chỉ trừ mỗi một con nhóc trong truyện là chẳng biết mình nằm trong truyện gì. Em này đứng trước một rủi ro cao là nếu ẻm không có chuyện hay ho gì để kể thì người đọc sẽ chán, xong đóng sách lại cái rầm. Chuyện đó mà xảy ra thì chắc em ấy sẽ thành công chúa ngủ ngàn năm mất vì lúc nào trời cũng tối. Người ta nói là không biết phải hỏi, muốn giỏi phải học, cho nên em gái bé nhỏ này bèn đi tìm coi mình nằm trong truyện nào vậy.





Gerstein cũng xài lại phương pháp liên văn bản của post modernism nên mấy bạn sẽ thấy em bé này chạy qua rất nhiều những truyện quen thuộc từ cổ tích như Cô bé Lọ Lem, Cô bé Quàng Khăn Đỏ, cho đến Sherlock Holmes, Alice lạc vào xứ Thần tiên rồi truyện lịch sử, truyện cướp biển, du hành vũ trụ, đủ thể loại hết. Sau khi đi hết một vạn dặm qua tất cả các thể loại văn học thiếu nhi trên đời thì em ấy đã hiểu ra mình thuộc về câu chuyện nào. Có ai đoán ra hem? Nếu chưa đoán ra thì đọc sách để biết ha, mấy bạn.






Điều thú vị của cuốn này là ở chỗ nó sẽ làm bạn phải đọc lại rất nhiều lần để chú ý đến các chi tiết trong sách, cố nhớ xem à cái đoạn này ở trong truyện này nè, à cái này mình biết nè, nó ở trong truyện kia. Và nó cũng cho mình đi chu du một chuyến vòng quanh xứ sở văn học thiếu nhi. Cảm ơn em gái nhỏ, có 48 trang sách mà em cho độc giả một chuyến đi quá đã!


You Might Also Like

0 comments