Câu chuyện về hành trình sáng tạo quyển sách độc nhất vô nhị của Mo Willems

02:54

 Mo Willems là một tác giả nổi tiếng toàn cầu, chuyên sáng tác cho thiếu nhi. Điểm đặc biệt trong các sáng tác của bác Mo chính là bác luôn tự viết và vẽ tác phẩm của mình. Có vô vàn các tác phẩm của bác đã trở nên quen thuộc và in dấu sâu đậm trong lòng bạn đọc nhỏ tuổi ở bất kỳ quốc gia nào. Ở Việt Nam, chúng ta đã có cơ hội được tiếp xúc với các nhân vật lẫy lừng của bác như bạn Bồ Câu trong series “Đừng để bồ câu lái xe buýt!”, “Đừng để bồ câu thức khuya!”,…Bé Bồng Bông và cả hai bạn Heo cùng Voi nữa.

Truyện của bác cực kỳ hài hước, nét vẽ tinh giản mà đầy biểu cảm, cực kỳ lôi cuốn. Mo Willems có khả năng viết lời thoại rất dí dỏm mà cũng sâu sắc vô cùng. Nói chung phàm là tác giả hay họa sĩ sách tranh thì đều ngưỡng mộ lẫn ganh tỵ tí xíu về khả năng sáng tác vừa vẽ vừa viết của bác. Quả là trời sinh một tác giả toàn bích toàn tài đến thế.

Ấy thế mà có một lần nọ, bác Mo bị bí khi sáng tác, các bạn ạ. Bác kẹt cứng với bản thảo ấy tận những 3 năm trời. Bác loay hoay đủ kiểu minh họa khác nhau, thử kết hợp giữa tranh vẽ và ảnh chụp (như cách bác đã làm với bộ Bé Bồng Bông, rồi lại thử cả cách chỉ dùng thuần minh họa, “một cách thật là nghiêm túc”, như lời bác chia sẻ. Vấn đề là bác cũng tự nhận ra rằng nét vẽ của mình trông cứ ngông ngốc thế nào cho kịch bản này.

Thế thì kịch bản ấy là gì mà lại chẳng ăn nhập được vào đâu với phong cách vẽ của bác Mo? Tại sao bác đang chuyên viết những câu chuyện hài hước dí dỏm mà lại đột ngột có một bước ngoặt kỳ lạ như thế?

Câu chuyện này được Mo Willems ấp ủ ý tưởng những tận 6 -7 năm.Lúc ấy bác Mo mua một căn nhà ở vùng rừng ngoại ô bang Connecticut và còn dí dỏm gọi tên nó là “Tổ Bồ Câu”. Trước giờ bác vốn quen sống ở khu đô thị Brooklyn và nay khi thay đổi môi trường sống, bác nhận ra có biết bao điều thú vị để quan sát nơi thiên nhiên bên ngoài. Bác Mo kể lại rằng bác đã mê mải ngắm những thay đổi nơi vùng đất ấy. Từ cuối tuần này sang đến cuối tuần kia là đã nhận ra được sự biến chuyển tinh tế ấy rồi. Cảnh vật đẹp nao lòng đến mức bác Mo bày cả màu nước ra đế hí hoáy cố bắt lấy những hình ảnh ấy. Ngay vào lúc ấy, bác chợt bật ra một câu hỏi rằng: “Trời đất, nếu bản thân mình còn thấy nơi này quả là khác biệt vô cùng thế thì sẽ thế nào với chú chó Nelson gốc thành thị từ thuở lọt lòng của mình?” 

Suy nghĩ đó đã dấy lên trong lòng bác Mo và thế là bác nghĩ ra một ý tưởng truyện, chính là tiền thân của quyển “Nâu Nâu thị thành và Xanh Xanh đồng quê”. Bác ngẫm nghĩ về cuộc đời của loài chó, rồi đến loài ếch. Ban đầu, đúng theo phong cách xưa giờ, bác định bụng sẽ viết một câu chuyện vui vui về tình bạn của hai loài khác nhau. Ấy thế mà câu chuyện đọc lên nghe cứ sai sai thế nào. Bác Mo than rằng: “Cái truyện này, nó cứng đầu khiếp luôn, nó khước từ thẳng thừng việc được kể ra theo kiểu nhẹ nhàng dễ dàng.Thế là cuối cùng tôi đành đầu hàng trước nó, để cho nó phát triển theo ý nó vậy.”

Bác Mo đã kể một câu chuyện đep như thơ về bốn mùa của tình bạn. Các nhân vật của bác chìm đắm trong thiên nhiên, và trải lòng mình ra. Nhịp điệu câu văn của bác khác hẳn bình thường. bác để lại hết những hóm hỉnh bông đùa sang một bên để viết ra những lời văn cực kỳ xúc tích mà giàu sức tưởng tượng. Đó đúng là một quyển sách hoàn toàn đặc biệt trong đời của bác Mo.




Nhưng đến khi bắt tay vào minh họa cho cuốn sách của chính mình, Mo Willems lại đối diện với một thách thức mới. Bác cứ loay hoay như thế những 3 năm trời vì không tìm được cách thể hiện phù hợp cho truyện. Đến một ngày kia, bác Mo âu sầu vỗ độp vào đầu và than rằng: “Trời ơi, phải chi mà mình vẽ được như Jon Muth thì nhẹ cả người rồi.” Thế là bác Mo bỗng nhận ra, ủa, vậy thì bác có thể mời bác Jon vẽ cuốn này mà. Bác bèn hớn hở bốc điện thoại lên gọi ngay.

Bác Jon nhận kịch bản xong thì ngẫm nghĩ, rồi lại ngẫm nghĩ thêm một chốc, một lát, một thôi, một hồi. Mo Willems tủm tỉm kể: “Đến một đêm nọ, có một con ếch lớn nhảy vào nhà Jon và chẳng chịu rời đi luôn.” Con ếch đó có vẻ như là dấu hiệu định mệnh thuyết phục được bác Jon tham gia vào vẽ cuốn sách này. Mãi về sau, bác Mo vẫn hóm hỉnh bảo rằng nếu mà bác biết cách này hiệu quả thế thì ngay từ đầu bác đã cài bẫy để cho con ếch nhảy luôn vào nhà bác Jon cho rồi.

Nhưng là một tác giả và đồng thời là họa sĩ thành danh, nổi tiếng khắp thế giới, việc trao tác phẩm của mình cho người khác vẽ mà không gò ép, kiểm soát, là một việc vô cùng khó. Mo Willems đã vượt qua được cái tôi cá nhân của mình theo một cách riêng. Sau khi bác Jon đồng ý nhận vẽ, Mo Willems bèn tự mình vẽ minh họa cho quyển sách theo phiên bản của riêng mình. Cách này cũng giúp Mo loại bỏ, cắt tỉa bớt được những từ ngữ dư thừa trong bản thảo. Sau khi hoàn tất bản vẽ của mình, bác Mo vứt béng tất cả đi và để cho Jon Muth thoải mái sáng tạo. Tất cả những gì bác Mo can thiệp chỉ là mong muốn có “một quyển sách khổ vuông với lời văn bên trang trắng phía trái, còn minh họa thì bên phải.” Đến lúc nhận được các bức minh họa, Mo Willems thừa nhận rằng mình thật sự quá sung sướng vì tranh quá đẹp. Bác mê nhất là cách Jon vẽ chú chó. “Điểm xuất sắc nhất trong sách chính là những bức tranh lột tả 100% hình ảnh chú chó Nelson của tôi. Giờ Nelson đã già rồi nên khi xem tranh, nhìn thấy những mùa xuân và mùa hè trong cuộc đời cậu chàng mới tuyệt làm sao!”.

Jon Muth vốn là một người có sự nhạy cảm với thiên nhiên nên bác bắt được thần thái câu chuyện trong quyển “Nâu Nâu thị thành và Xanh Xanh đồng quê”. Bác đã đem đến rất nhiều khoảng lặng trong tranh vẽ. Những không gian mênh mông biến đổi theo từng mùa hoàn toàn phù hợp với nhịp điệu lời văn và ngay cả với yêu cầu trình bày layout của Mo Willems. Đó là một câu chuyện diễn ra từ từ, sâu lắng và mênh mang đầy cảm xúc. Ở trong đời, người ta cần những khoảng lặng như vậy.




Toàn bộ quá trình sáng tác quyển sách “Nâu Nâu thị thành và Xanh Xanh đồng quê” đem lại cho Mo Willems cái nhìn sâu sắc về quy trình sáng tác: “Có lẽ bài học rõ ràng nhất cho tôi chính là … chỉ viết phần nội dung cho sách (của mình) khó gấp đôi việc vừa viết vừa vẽ toàn bộ cả quyển. Thậm chí tôi còn không chắc là có làm được chuyện đó không nếu mình không quen một họa sĩ mà mình tin rằng họ trút cả cuộc sống vào trang sách ấy. Cảm ơn Jon rất nhiều.”

Và có lẽ bởi những người làm ra cuốn sách đã có biết bao ấp ủ, bao nhiêu nuôi dưỡng cùng chăm chút cho cuốn sách qua đằng đẵng thời gian như thế, khi quyển sách đến được tay các em nhỏ lẫn người lớn, khi đọc xong, gấp lại, nó vẫn như một nốt nhạc, ngân hoài rồi lại ngân mãi…

 

You Might Also Like

0 comments