Về Sendak

01:57

Bất kỳ người nào quan tâm đến picture book cũng có thể nghĩ Maurice Sendak là một lựa chọn an toàn khi phải đưa ra câu trả lời về tác giả yêu thích nhất. Không ai phủ nhận rằng Maurice Sendak là cây đại thụ của picture book thế kỷ XX. Where the wild things are là một trong những quyển sách thiếu nhi bán chạy hàng đầu thế giờ, dù nó xuất bản từ thập niên 60. Kinh điển đúng là có những lợi thế và giá trị riêng của kinh điển. Nhưng cũng chính vì nó là kinh điển nên lại rất khó để nói rành rọt ra những lý do yêu thích đậm chất cá nhân với tác phẩm hay tác giả đấy.

Xét về minh họa, sau hơn mấy chục năm nhìn lại, đem so sánh với những tác giả đương đại, tranh của Maurice Sendak ít tính chuyển động, ít đột phá về màu sắc, đậm nét truyền thống.

So sánh một bức minh họa của Sendak và một bức minh họa từ thế kỷ 19, có thể thấy rõ điều này:




Tranh minh họa Tituba and children của Alfred Fredericks



Minh họa của Sendak cho quyển  Zlateh the Goat


Nếu giả sử năm 1948 Maurice Sendak không bỏ việc trưng bày hàng hóa ở các ô cửa kính cho Timely Service và nếu năm 1955 ông cứ mãi tiếp tục chỉ minh họa những bản thảo do Nordstrom đưa, có lẽ giờ chẳng ai còn nhớ ông là ai. Thứ làm cho Sendak trở nên khác biệt là những câu truyện do ông kể bằng tranh, đúng hơn là cách ông tiếp cận thể loại sách tranh, cách ông kể về trẻ con. Suy cho cùng, đối với picture book, phần lời hay phần tranh đều quan trọng, nhưng quan trọng nhất vẫn là ở mỗi phần, có câu chuyện gì cần kể, kể ra sao. Maurice Sendak thành công vì ông dung tốt những công cụ trong tay: từ ngữ và hình ảnh. Các cuốn sách do Maurice Sendak viết hầu như chỉ hơn 300 chữ/truyện nhưng ông mất gần 2 năm để viết lời cho một truyện và chỉ khi nào hoàn tất phần lời, ông mới bắt tay vào vẽ.

Trước Maurice Sendak và cho đến tận bây giờ, vẫn có rất nhiều người cho rằng giai đoạn ấu thơ là một quá trình êm ái và dễ chịu. Truyện cho trẻ con, vì thế phải vui tươi, trong sáng, kết thúc có hậu, etc. Trẻ con trong truyện thì mũm mĩm, đáng yêu, hồn nhiên. Trong một bài phỏng vấn, Sendak nói ông không phủ nhận những điều trên, tuy nhiên, ông tin rằng trẻ con có những cảm xúc phức tạp hơn, như tức giận, sợ hãi, lo lắng. Có nhiều vấn đề để kể cho trẻ và kể về trẻ hơn là chuyện xoay quanh những thứ ngọt ngào, nhẹ nhàng. Maurice nói về chuyện bắt cóc, giận dỗi, cái chết, những góc tối của tuổi thơ. Trẻ con của Sendak thường có gương mặt gần tựa như một bản sao thu nhỏ của người lớn với đầy đủ biểu cảm phức tạp. Và hầu hết trẻ con trong truyện của Sendak đều không phải là những em ngoan ngoãn thụ động. Max nghịch phá, cãi lại mẹ, lại còn nghĩ đến chuyện bỏ nhà đi khi bị mẹ phạt; Mickey lén lút trốn ngủ đế xuống bếp xem có gì hay ho; Ida được giao nhiệm vụ trông em thì mải chơi mà để em bị bắt cóc mất,…Từ khởi điểm là những bất ổn như vậy, những đứa trẻ của Sendak dấn thân vào một thế giới fantasy, nơi các em đi tìm giải pháp cho những vấn đề của mình. Khác với nhiều tác giả khác, Maurice không thể hiện hai thế giới thực tại và tưởng tượng song hành cùng lúc (ví dụ như trường hợp của Suzy Lee, nữ tác giả này rất thường xuyên vẽ sự tồn tại song song của những thế giới khác nhau). Maurice để trẻ con trong truyện của ông rong ruổi qua những cuộc phiêu lưu trong thế giới tưởng tượng điên rồ nhất. Ở đó chúng lớn lên, học được một ít gì đấy, hoặc có thể chỉ là việc trải qua và tìm cách hiểu một cảm xúc. Cuối cùng, khi chúng quay lại thực tại, có tình yêu thương và sự ấm áp đang chờ chúng, và có thể là có cả những cuộc phiêu lưu tiếp theo.

Q.

You Might Also Like

0 comments