Trắng và Đen
07:06Sau một tối đọc quyển sách ấy xong, tôi rất thành thật thở dài và bảo mẹ:"Sao họ lại trao Nobel cho cái ông này chứ! Thật khó tin!" Ấy là vì tôi đọc mà chẳng hiểu mô tê chi cả. Hết sức mông lung!
Mãi sau này đến khi gần vào Đại học, có một người bạn trầm trồ khen quyển sách "dở tệ trong ký ức" này, nên tôi rảnh rỗi lấy ra đọc lại (trời ơi, tôi cần có lại những ngày rảnh rỗi như vậy hiu hiu). Và ... ơ lần này đọc nó hay thật! Giải Nobel có nhiều phen gây tranh cãi (như vụ Bob Dylan năm rồi), nhưng chắc người ta không trao nhầm cho Jimenez đâu. Vâng, đó là quyển "Con lừa và tôi". Tôi đã thích nó đến mức sau này khi đi học môn sân khấu, có phần dựng cảnh thu hình mỗi sinh viên đọc một trích đoạn yêu thích, tôi khăng khăng đòi đọc một đoạn về Platero, dù không phải ai cũng biết ông ấy là ai. Vài năm sau, khi đi làm, tôi có một công việc rất dễ thương là lượn một vòng thành phố, ghé tất cả nhà sách và nhặt lấy những cuốn nào hay nhất để sau đó chọn đưa vào thư viện cho trẻ em. Tôi thấy quyển về Platero tái bản nên lại đưa vào danh mục. Nhưng thật may, vì quá yêu thích nó nên tôi lập tức chia sẻ về nó với một chị đồng nghiệp và chị hỏi mượn mang về cho con gái học lớp 4 của chị đọc thử. Kết quả là em bé trả lại và bảo con không hiểu mà cũng chả thấy hay gì. A, chào con, con giống y hệt cô hồi xưa!
Như vậy đó, có rất nhiều quyển sách thật sự nó không dở tí nào nhưng nó khó đọc. Người ta cần thời gian để hiểu và để cho đứa trẻ trong mình lớn lên vừa tầm cuốn sách.
Hôm nay nói chuyện dông dài vậy để giới thiệu về một quyển sách khó đọc (nhưng mà hay). Và thật ra theo như các review thì trẻ con lại ít gặp rắc rối với quyển sách này hơn người lớn. Các em hiểu câu chuyện nhanh hơn.
Caldecott là một giải thưởng nổi tiếng dành cho sách thiếu nhi ở Mỹ. Và cuốn sách này được trao giải năm 1991. David Macaulay đã dùng một thủ pháp hậu hiện đại để kể một câu chuyện thiếu nhi theo cách vô tiền khoáng hậu. Nếu các bạn người lớn từng đọc "Từ điển Khazar" thì sẽ phần nào hiểu được cách đọc. Black and White được kể theo thủ pháp phân mảnh, nó có 4 câu chuyện rời nhau, kể song song trong từng trang tranh. 4 câu chuyện cũng có 4 phong cách minh hoạ hoàn toàn khác nhau. Người ta cần đọc từng câu chuyện riêng. Sau khi đọc hết tất cả 4 câu chuyện, họ sẽ hiểu được rằng thật là nó là 4 mảnh puzzle của một câu chuyện lớn. Quyển sách này cũng là một bài tập thú vị cho sự logic, trí tưởng tượng và sự kết hợp giữa hình ảnh cùng ngôn từ.
Nghe có phức tạp không? Thật sự là có đấy. Nhưng mà nó đồng thời cũng là một thử thách rất thú vị cho trí não. Một cậu bé trên toa tàu. Một đoàn người chờ tàu đến muộn. Một cặp bố mẹ bất ngờ có những hành vi kỳ quặc. Một tên trộm lẻn theo đàn bò để tẩu thoát. Bốn mạch truyện riêng biệt như bốn dòng suối nhỏ, để rồi cuối cùng hoà vào thành môt mạch nước lớn.
David Macaulay đã làm một chuyện tuyệt vời: ông ấy làm cho một quyển sách trở nên khó đọc! Nhưng đấy là loại khó đọc khiến cho người ta cứ muốn đọc lại hoài, chúi mũi vào xem lại từng trang tranh để hiểu dụng ý các chi tiết và cảm thấy hả hê khi gấp sách lại. Một cuộc dạo chơi đầy tính phiêu lưu.
Và nói cho cùng thì thật ra khi hiểu được cái gì đấy tường tận sau một hồi đánh vật với nó, có khi người ta đâm ra nhớ nó lâu hơn.
0 comments