Có một lòng yêu với thời gian

01:44

Trải nghiệm đầu tiên của tôi về cái chết đến vào năm tôi sáu tuổi. Ông nội mất. Chữ "mất" này diễn tả chính xác cảm giác và hiểu biết của một đứa trẻ về cái chết. Tôi về đến Hải Dương khi ông đã qua đời một ngày. Tôi bước thẳng từ vùng ký ức tuổi thơ có sự hiện diện của ông vào một đám tang. Lúc đó tôi vẫn ngơ ngác không thật sự hiểu, tôi im lặng đứng nép vào một góc bên ngoài vòng người viếng, cho đến khi bà thím kéo tay tôi vào gần quan tài, nghẹn ngào nói : "Từ nay về sau con không còn được gặp ông nữa rồi." Lời giải thích ngắn gọn ấy về sự mất mát làm đứa trẻ sáu tuổi bật khóc.

Tôi nghĩ nhiều đứa trẻ khác cũng như tôi. Trải nghiệm đầu tiên về cái chết đến với các em khi ông, bà các em qua đời. Thật khó để một đứa trẻ chấp nhận được rằng có một điều gì vô cùng thân thương với em sẽ tan biến, sẽ vĩnh viễn không còn nữa. Và cũng càng khó hơn để giải thích cho em rằng sự biến mất này chỉ là một lớp bề ngoài, thật ra những người đã khuất vẫn còn lại trong chính các em. Đó là một bài học quá khó, ngay cả với người lớn.

Vì thế, những quyển sách thiếu nhi viết về mối quan hệ giữa ông bà và cháu luôn khiến tôi có sự chú ý nhất định. Hai năm vừa rồi, thật ngẫu nhiên (hoặc không?), tôi đọc ba quyển sách và làm biên tập cho một quyển về đề tài này. Một quyển từ Hà Lan, hai quyển từ Trung Quốc và quyển còn lại của tác giả Việt Nam sáng tác.

Bà tôi đã từ từ nhỏ đi (tác giả: Michael De Cock, họa sĩ: Kristien Aertssen, nhà xuất bản Kim Đồng)

Bà ngoại tôi biến thành búp bê nhỏ (tác giả: Yin Jian Ling, họa sĩ: Huang Jie, nhà xuất bản Kim Đồng)

Bà ngoại yêu dấu (tác giả: Phương Tố Trân, họa sĩ: Sonja Danowski, nhà xuất bản Kim Đồng)

Bà có nhớ không? (tác giả: Trịnh Hà Giang, họa sĩ: Vũ Tuấn Anh, Room to Read xuất bản)





Hình ảnh trong quyển Bà tôi đã từ từ nhỏ đi



 Hình ảnh trong quyển Bà ngoại tôi biến thành búp bê nhỏ


Hình ảnh trong quyển Bà ngoại yêu dấu



Hình ảnh trong quyển Bà có nhớ không?


Người già và trẻ con đều có những câu chuyện riêng của họ. Bọn trẻ con thì mới bước chân vào phần mở đầu, trong khi người già đã đi đến gần đoạn kết truyện. Vậy mà cả bốn cuốn sách đều kể về người già trong cách nhìn của trẻ thơ. Với các em, người già vừa lạ lẫm, khó hiểu nhưng cũng lại càng gần hơn với tầm vóc thế giới của các em. Càng lúc bà càng trở nên bé nhỏ hơn, co rút lại, nằm vừa trong một ngăn tủ, rồi vừa trong một trái tim bé thơ. Bà cũng trở thành búp bê nhỏ, để em chăm chút, em giúp bà tắm, lấy thuốc cho bà uống. Bà hay quên thì đã sao, đã có em bên cạnh, em sẽ nhắc bà ngày Tết mình đã hứa cùng làm gì với nhau.

Bốn câu chuyện còn kể cho người đọc nhiều điều hơn thế. Đây còn là câu chuyện về nỗi đau day dứt của một người thiếu phụ phải sống xa mẹ mình, chỉ mang con về thăm với mẹ vài ngày, đến khi mẹ mất cũng không thể về được. Đây còn là câu chuyện về tình yêu của ông và bà từ ngày họ còn rất trẻ và nỗi đau khổ, nhớ nhung vô cùng của bà khi ông từ biệt cuộc đời trước. Đây còn là câu chuyện về hai bà cháu cố gắng giữ những nếp cũ ngày cuối năm từ gói bánh chưng đến làm mứt chùm ruột. Bà thì cứ dần quên đi mọi thứ nhưng vẫn muốn lưu lại cho cháu những nếp ký ức đẹp đẽ.

Khi khép sách lại, tôi nhớ về bà cố của mình. Đến giờ trong tôi hầu như không còn hình ảnh nào về bà, ngoại trừ một bóng dáng lụ khụ lưng còng, chống gậy đi lại trong sân. Người lớn kể lại rằng năm đó, tôi chỉ ba tuổi, cũng hay bắt chước bà cố chống gậy, còng lưng, đi sau lưng bà. Người già và con trẻ, một ở điểm khởi đầu hành trình, một ở đoạn chót cuộc đời, ấy vậy mà lại có quá nhiều yêu thương tương tự nhau.

You Might Also Like

0 comments