Red - Chuyện cái nhãn

11:04



- bài viết có tiết lộ nội dung sách -


Mùa hè năm 2015, Michael Hall cho ra mắt một quyển sách tranh, tên là "Red : A crayon's story"  (Màu đỏ : chuyện về một cây sáp màu).


Sự phong phú của màu sắc nói chung thường là ẩn dụ về tính cách, cái tôi, sự khác biệt ( ví dụ như "The Day the Crayons Quit" và "The Day the Crayons Came Home" của  Drew Daywalt và Oliver Jeffers, hoặc ngay cả cuốn "Màu vàng ở đâu?" mà mình viết cùng Parul)

"Red" của Michael Hall cũng nói về cùng đề tài đó. Tình huống truyện có thể được tóm tắt đơn giản như sau: có một cây bút chì màu, nhãn của nó ghi rằng nó là màu đỏ. Nhưng thật ra nó là màu xanh nước biển.

Mâu thuẫn nghịch lý đó vừa đem lại sự hài hước mà cũng ngậm ngùi. Nó vẽ ra những quả dâu màu xanh, cái xe cứu hỏa màu xanh, con kiến lửa màu xanh nốt. 





Những màu sắc xung quanh nó đưa ra bao nhiêu là giải pháp để giải quyết vấn đề cốt tủy: nó phải vẽ ra được màu đỏ (cho dù cái lõi của nó là màu xanh).

Thật dễ dàng để đánh giá hay nhận xét một ai đó. Một vài lời vô thưởng vô phạt. Và nó cứ cố mãi cho vừa với cái nhãn bên ngoài, cố đến mức tuyệt vọng. Mà dĩ nhiên là nó không thể làm được. Ai trong đời đã từng bị quở trách rằng vì mình chưa cố hết sức, vì mình còn lười cho nên mình không thể làm được điều như rất nhiều người khác đã và đang làm? Sự tổn thương đó để lại một dấu hằn trong hoang mang tột độ.

Nhưng mà lỗi là do ai? Do cái màu đỏ còn không tự biết mình là xanh hay đỏ? Do cái xưởng sản xuất nhầm nhãn màu cho nó, hay do những màu sắc khác trong hộp màu đã không chịu chấp nhận nó ngay từ đầu? Thậm chí đến cả những dụng cụ khác cũng muốn can thiệp bạo lực vào màu đỏ. Nó bị cắt rách phần vỏ bọc, bị quấn băng keo rồi còn phải chuốt lại cho nhọn đầu. Tất cả những dấu vết đó còn lại mãi cho đến trang cuối cùng của quyển sách, những dấu tích hằn lại trên cơ thể nó, luôn luôn gợi nhớ rằng người ta đã cực kỳ muốn thay đổi nó ra sao.

Rồi thì đương nhiên câu chuyện của Hall sẽ đưa cho nó một giải pháp để nó có thể biết được chính mình là ai. Nó sẽ hạnh phúc được vẽ mặt biển xanh, bầu trời xanh,... Sự vui sướng đó thậm chí làm cho cả những quả dâu xanh bây giờ cũng trở nên có lý trong mắt những cây bút màu khác. Quả là khi người ta hạnh phúc, người ta làm cho mọi điều dễ được chấp nhận biết bao.

Sách thì đã đọc xong rồi, gấp lại rồi, nhưng mà giữa vui sướng cùng màu đỏ, vẫn có chút thở dài của người đọc. Ngoài kia còn bao nhiêu cái nhãn nữa mà mình chưa biết? Giới tính, nghề nghiệp, địa vị, tính cách, hành vi... Có bao nhiêu đứa trẻ và bao nhiêu người lớn vẫn chưa biết được rằng màu sắc cốt lõi trong mình là gì?








You Might Also Like

0 comments