My little Orsay và Tell me a picture
06:57Cái sự vụ nghệ thuật là một thứ vừa thơ vừa mông lung, mà lắm lúc cũng làm người ta thở dài đánh sượt về nỗi nghi vấn trúc trắc với sự hiện hiện của nó trên đời. Ai mà biết đứa nhỏ oe oe trong nôi kia là tương lai sẽ là một hoạ sĩ hay là một bác sĩ? Mà ai cấm cản một bác sĩ không thể là một hoạ sĩ? Hoặc một người bán mì ramen ban đêm, ban ngày anh ta có thể tỉ mẩn viết những dòng tuyệt đẹp về quả hồng cuối mùa thu.
Một em bé nhỏ có thể nghĩ gì về nghệ thuật? Cái phạm trù này quá lớn lao với em không? Chí ít nếu không phải mọi đứa trẻ chơi nhạc đều thành Mozart (ơn trời, nếu tất cả đều thành Mozart thì đúng là thảm hoạ), sau này và cả bây giờ, mỗi khi cuộc sống có chút chòng chành, các em có thêm một nơi an trú.
Trở về câu chuyện của đứa bé và nghệ thuật, những gì được xây dựng từ thuở ban sơ đều là những thứ có tác động lớn đến tâm trí. Vì thế, ở một vài nơi, người ta đưa các em đến các bảo tàng từ khi các em còn be bé. Nhưng mà một đứa bé thì biết làm gì ở Louvre, Orsay hay MOMA? Liệu em ấy có oặt ra vì buồn ngủ, khóc toáng lên, la hét hay chạy ầm ầm, làm cho bố mẹ ngượng ngùng vội vã chấm dứt chuyến thăm viếng nghệ thuật trong vòng ba nốt nhạc?
Hai quyển sách nhỏ này dành cho cả trẻ con và người lớn (vẫn vấn vương trong hồn một chút trẻ dại thơ ấu), một do Quentin Blake trứ danh biên soạn, một do cô Marie Sallier - nhà văn, nhà báo và là người nghiên cứu về nghệ thuật nổi tiếng của Pháp.
Điều thú vị của cả hai quyển sách này đối với người lớn là nó giúp họ hiểu được khi một đứa trẻ ngắm bức tranh của Gaugin, Van Gogh em ấy sẽ chú ý đến điều gì, khi em xem một bức tượng, em sẽ thấy tò mò về chi tiết nào. Người ta nói rằng một hình ảnh hơn vạn ngôn từ nhưng cụ thể hình ảnh ấy nói gì với một em bé nho nhỏ? Marie Sallier và Quentin Blake đưa tầm mắt của người đọc trở về với đứa bé 5-6 tuổi với những băn khoăn rất ngây thơ nhưng không kém phần sâu sắc. Tất cả những câu hỏi gợi ý đi kèm đều nhằm khai phá các lớp ý nghĩa của tranh thông qua việc quan sát chi tiết, biểu cảm nhân vật và liên hệ với đời sống xung quanh của các em. Sallier có những dẫn dắt, giới thiệu đơn giản với các câu văn ngắn, tập trung vào những điều thân thuộc với trẻ em. Còn Blake dùng thế mạnh minh hoạ của mình để biểu đạt những suy nghĩ, phỏng đoán của trẻ thơ khi ngắm nhìn tranh.
Với hai quyển sách này, người lớn được làm trẻ nhỏ còn trẻ nhỏ được đắm mình trong những điều đẹp đẽ. Thỉnh thoảng, trong những ngày dài, quả thật một bức tranh đẹp, một quyển sách hay làm cho đời sống nhẹ hơn chút ít.
Phải vậy không, những người thương mến?
0 comments