Nhân vật của Suzy Lee thường hay đứng mấp mé giữa hai bờ thế giới thực – ảo. Bộ ba sách tranh không lời: Mirror, Shadow và Wave cũng không nằm ngoài chủ đề này. Nếu Mirror có chút ma quái với sự hoán đổi vị trí của thế giới trong và ngoài gương, Shadow tinh nghịch với thế giới của ánh sáng và bóng tối, thì Wave lại trong trẻo hồn nhiên với thế giới của bờ và sóng. Ranh giới của hai thế giới trong Wave là ranh giới mờ nhất, “ẩn” nhất, đến nỗi nếu không tinh ý nhìn những chi tiết nhỏ ở ngay mép nối giữa các trang, người đọc không dễ nhận ra sự phân cắt của hai thế giới này. Có lẽ cùng vì thế nến trong ba cuốn sách, Wave tạo ấn tượng nhẹ nhàng nhất, một phần khác cũng vì tông màu xanh, trắng xám và đen xuyên suốt quyển sách.
Người ta đọc thấy nhiều hơn một lớp nghĩa trong truyện của Suzy Lee. Một vài người đọc cảm thấy đây là câu chuyện vớ vẩn nhất mà họ từng đọc. Chẳng có gì ngoài chuyện một đứa bé chạy ra rồi lại chạy vào, sóng đuổi theo, làm ướt áo… Một số người khác thì thấy đây là câu chuyện nói về sức mạnh của thiên nhiên. Một số khác lại thấy đây là câu chuyện về sự bước qua ranh giới của sợ hãi, thách thức, phiêu lưu và về sự lạc quan, tha thứ. Người ta thường không bao giờ lường trước được mình sẽ đối diện với điều gì khi bước ra khỏi ranh giới an toàn. Và cũng chẳng nhiều “đứa trẻ” trên đời có thể biết cách tận hưởng niềm vui từ những vỏ sò vỏ ốc do “cơn sóng thảm họa” mang đến.