Một cách tình cờ tôi có được quyển truyện này. Đó là một đêm khi chuyến bay của tôi bị delay hơn 1h đồng hồ. Tôi cứ quanh quẩn đi ra đi vào những những hàng ghế. Đồng hồ chầm chậm đi từ 11h sang 12h. Tôi đã mua cả một thùng sách ở số 5 Đinh Lễ nhưng tất cả đều được nhét vào khoang hành lý. Rồi tôi lại gần quầy sách báo và thấy cuốn sách này. Nó giá 20.000, đúng bằng số tiền tôi còn lại trong túi. Tôi chưa từng nghe nói đến cuốn sách này bao giờ. Hoàn toàn lạ lẫm. Và tôi mua nó, một cách hú hoạ trong nỗ lực tìm kiếm thứ gì để đọc lúc chờ máy bay.
Nó hay một cách kỳ lạ. Pierre Gripari đã làm công việc mà tôi ao ước suốt đời : một người kể chuyện. Những câu truyện về một con phố ở Paris. Ông kể chuyện cổ tích nhưng cũng không phải là truyện cổ. Một ít hài hước, một ít ngộ nghĩnh và một ít ý nghĩa trong những câu truyện của ông. Tôi nhớ chuyện tình của củ khoai tây, cả đời chỉ mơ ước được thành khoai tây rán, hoặc chuyện về Lustucru, người bất tử và lập rất nhiều chiến công từ thời cổ đại cho đến tận bây giờ nhưng không hề được ghi tên vào sử sách vì các sử gia cảm thấy tên ông quá kỳ cục.
Những câu chuyện mà Gripari kể hầu hết đều được đặt trong bối cảnh hiện đại, vì thế mà chúng đáng yêu nhưng không lạc lõng. Broca là một con phố có thật, nằm ở quận 13 Paris và từng chi tiết trong truyện đều như có thật. Tôi vào http://photos.pagesjaunes.fr/ để check lại từng thông tin tác giả miêu tả ở chương đầu sách và tất cả đều có thật, ngay cả căn nhà số 69 trứ danh.
Đó là điểm đáng yêu, một nền tảng thực tế cho một huyễn hoặc. Nó làm người ta đi giữa tỉnh và mê. Bọn trẻ bây giờ nhiễu sự hơn, vì thế để làm chúng tin tưởng vào truyện, người ta mất công sức hơn xưa nhiều.
Hãy tưởng tượng ngày xưa, thời Charles Perrault, thế kỷ 16, trẻ con chẳng xa lạ gì với cái thoi dệt sợi của mẹ của bà, thế nên chúng hoàn toàn tin tưởng nàng công chúa ngủ trong rừng cần phải chạm tay vào con thoi ấy. Cũng như thế, ở thế kỷ 20 này, bọn trẻ sẽ muốn có một nàng tiên sống trong vòi nước robinet, một chuyện tình của nàng khoai tây được đăng trên các báo trang nhất, một thượng đế bé bỏng xin phép mẹ được vẽ ra thế giới sau khi đã hoàn tất bài tập về nhà và một nhà khoa học nghiên cứu xem làm sao có thể tận dụng được nọc của những con rắn rơi ra từ miệng của một cô gái khi nàng cười.
Tôi nhớ truyện “Trong thành có ma trơi”, Andersen nói về cái chết của Truyện. Người kể chuyện đã không còn tìm thấy Truyện nữa. Những người như Perrault hay Grimm hay ngay cả Andersen đã mất, những câu chuyện thì cứ bất biến. Cái khăn của Quảng Khăn Đỏ vẫn cứ đỏ thế mãi, dù giờ có thể chẳng ai quảng kiểu khăn ấy ra đường nữa. Trẻ con cần ai đó thuyết phục chúng rằng thời nay những người kể truyện cổ tích vẫn còn đây đó. Họ vẫn sống và sáng tác những câu chuyện chỉ dành riêng cho chúng, để chúng biết mơ mộng, biết vượt giới hạn của hiện thực mà sống.
Tôi nghĩ đó là duyên may của tôi với quyển sách này, bởi khi ở Hà Nội, rong ruổi mấy ngày trời ở các hàng sách tôi không hề thấy nó; cũng như khi về lại SG, tôi cũng không tìm thấy quyển thứ hai ở bất kỳ tiệm sách nào. Có lẽ, để mua được “Truyện cổ phố Broca“, người ta cần phải bị delay máy bay và đi loanh quanh ở sân bay Nội Bài lúc 12h đêm. Và nếu có ai đúng thật rơi vào hoàn cảnh đó, tôi khuyên chân hành rằng hãy lại gần quầy sách báo và tìm quyển “Truyện cổ phố Broca“.
- bài này năm 2010 viết cho Reading cafe-